Sân bay Phan Thiết là dự án trọng điểm của tỉnh Bình Thuận, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của địa phương.
Cảng hàng không Phan Thiết là dự án xây dựng sân bay lớn được thực hiện tại tỉnh Bình Thuận. Việc xây dựng sân bay này hứa hẹn sẽ là một trong những hạ tầng giao thông quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với hàng không trong nước nói chung, cũng như Bình Thuận nói riêng. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, sân bay Phan Thiết sẽ là một trong những cảng hàng không lớn của cả nước và là sân bay quan trọng của miền Trung. Dưới đây sẽ là một số thông tin về sân bay Phan Thiết cũng như lý do xây dựng cảng hàng không này mà bạn có thể tham khảo.
Vì sao phải xây dựng sân bay Phan Thiết?
Góp phần giải quyết bài toán phát triển hàng không trong nước
Hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố then chốt nhất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuỳ vào tình hình thực tế, bao gồm: địa hình và vị trí, mỗi địa phương sẽ nghiên cứu và đánh mạnh khai thác các tuyến giao thông khác nhau. Trong đó, khai thác đường bay được xem là bệ phóng, tạo tiền đề phát triển hơn nữa kinh tế, văn hoá và nhất là du lịch cho địa phương sở tại.
Hiện nay, hàng không Việt Nam có tổng cộng 22 sân bay có hoạt động bay dân sự. Trong đó có 10 sân bay quốc tế. Tuy nhiên với sự phát triển du lịch và lượng lớn khách quốc tế ghé thăm, cũng như nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân, hệ thống hạ tầng hàng không vẫn đang thiếu hụt. Điều này không chỉ hạn chế sự di chuyển, gây khó khăn cho việc đi lại mà còn cản trở đến kinh tế và du lịch. Chưa kể, nhiều sân bay còn đang trong tình trạng quá tải khi vượt quá công suất thiết kế, khiến chất lượng dịch vụ không cao.
Góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương
Thực tế cho thấy, tuyến hàng không luôn đóng một vai trò quan trọng đối với một địa phương, khu vực. Và không phải ngẫu nhiên mà các thành phố lại xem trọng tuyến hàng không. Bởi lẽ, quy hoạch hạ tầng sân bay sẽ kéo theo việc mở rộng nâng cấp các trục giao thông liên kết, thúc đẩy hạ tầng đô thị, góp phần thay đổi diện mạo đô thị. Đồng thời, cảng hàng không còn góp phần gia tăng lưu lượng khách du lịch, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhờ đó đẩy mạnh trao đổi kinh tế, dịch vụ cho địa phương.
Việc xây dựng và đưa vào hoạt động các cảng hàng không như Cam Ranh, Phú Quốc, Vân Đồn, Phù Cát,… là minh chứng rõ ràng nhất cho việc sân bay đã góp phần lớn và quan trọng như thế nào. Từ cơ sở hạ tầng, diện mạo đô thị cho đến việc thu hút du lịch và mang tới những lợi thế cạnh tranh, phát triển cho địa phương.
Dựa vào những phân tích trên có thể thấy việc xây dựng sân bay Phan Thiết, Bình Thuận là vô cùng cần thiết. Trong khi du lịch Phan Thiết, Bình Thuận đang là một trong những điểm hút khách với nhiều lợi thế, việc xây dựng hạ tầng giao thông này chính là cốt lõi để thúc đẩy du lịch địa phương phát triển hơn nữa. Sân bay khi đưa vào khai thác cũng hứa hẹn mang đến những sắc màu, diện mạo mới và cả lợi thế về mặt kinh tế, du lịch cho cả tỉnh.
Hơn thế, khi hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh hiện chỉ bao gồm đường bộ và đường sắt. Trong khi hệ thống quốc lộ, cao tốc đang trong giai đoạn nâng cấp và hình thành, năng lực vận tải chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tiễn. Sân bay Phan Thiết ra đời sẽ thêm một “cú hích” và tạo động lực mới đẩy Bình Thuận phát triển mạnh mẽ hơn.
Mang ý nghĩa an ninh, quốc phòng
Theo đề án xây dựng, sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng. Tức là một cảng hàng không vừa phục vụ dân dụng, vừa phục vụ quân sự. Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với an ninh, quốc phòng này sẽ đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho riêng Bình Thuận, mà cho cả khu vực. Giúp đảm bảo vận chuyển an toàn, rút ngắn thời gian di chuyển, hỗ trợ cho kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư và du lịch khởi sắc.
Ngoài ra, sân bay Phan Thiết còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế biển, phục vụ dịch vụ dầu khí, thực hiện chương trình biển đảo. Cùng với hệ thống cảng hàng không toàn quốc, sân bay Phan Thiết sẽ là sự bổ sung, hoàn thiện thêm cho mạng lưới giao thông hàng không. Từ đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việc xây dựng sân bay cũng được kỳ vọng trong tương lai gần sẽ giúp Bình Thuận gia tăng sức hấp dẫn đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Nâng cấp sân bay Phan Thiết từ 4C lên 4E
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2009, sân bay Phan Thiết sẽ có diện tích rộng 543 ha. Bao gồm hạng mục sân bay quân sự cấp 1 kết hợp dân dụng cấp 4C. Hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty Cổ phần Rạng Đông đầu tư. Dự án được khởi công đầu năm 2015, dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng sau đó án binh bất động.
Vào năm 2017, UBND Bình Thuận đã đề xuất nâng cấp sân bay Phan Thiết 4C lên cấp 4E, đường băng kéo dài từ 2.400 m lên 3.050 m. Đến tháng 2/2018, sân bay đã được Thủ tướng phê duyệt là một trong 15 cảng hàng không nội địa trên toàn quốc có quy mô cấp 4E dân dụng kết hợp với sân bay quân sự cấp 1, tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
Việc nâng cấp sân bay Phan Thiết từ 4C lên 4E cũng mở ra nhiều hy vọng mới. Trong tương lai, khi đưa vào phục vụ sân bay này sẽ là điểm đến và đi nhộn nhịp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân địa phương cũng như du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, sân bay cũng sẽ là nơi hoạt động của nhiều hãng hàng không và là điểm khai thác cho nhiều hành trình bay quốc tế.
Dự án sân bay đầu tiên đầu tư theo hình thức đầu tư BOT
Dự án cảng hàng không Phan Thiết (Bình Thuận) là dự án sân bay đầu tiên được đầu tư theo hình thức đầu tư BOT. Cụ thể, sân bay gồm 2 hợp phần là hạng mục quân sự và hạng mục hàng không dân dụng. Trong đó, hàng không dân dụng sẽ thực hiện theo hình thức BOT. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.800 tỉ đồng với nhà đầu tư là Tập đoàn Rạng Đông.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sân bay Phan Thiết sẽ là cảng hàng không cấp 4E. Sân bay có chức năng là sân bay lưỡng dụng, dùng chung quân sự và dân dụng, có hoạt động bay quốc tế, với một đường cất hạ cánh có chiều dài 3.050m.
Hạng mục hàng không dân dụng được đầu tư bằng hình thức BOT công suất 2 triệu khách/năm. Dự án BOT sẽ hoàn thiện các khu dân dụng để tạo ra sân bay lưỡng dụng hoàn chỉnh với các hạng mục: Khu bay, khu hàng không dân dụng, khu phục vụ kỹ thuật và thương mại, hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước kết hợp quốc phòng. Sau khi đưa vào khai thác, sân bay sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trước đó vào tháng 1/2015, dự án sân bay Phan Thiết đã được khởi công theo hình thức BT kết hợp BOT, dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong năm 2018. Tuy nhiên, do gặp khó khăn khi triển khai, đến nay dự án đã được tái khởi động trở lại vào tháng 4 năm 2021.
Cảng hàng không lớn cho khu vực miền Trung
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, cả nước có 28 cảng hàng không (15 cảng hàng không quốc nội và 13 cảng hàng không quốc tế). Trong đó, sân bay Phan Thiết là một trong 6 cảng hàng không quốc nội ở khu vực phía Nam, cùng với Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Côn Đảo, Rạch Giá và Cà Mau.
Sân bay được xây dựng tại xã Thiện Nghiệp, nằm ở phía Đông Bắc thành phố. Từ sân bay vào đi vào trung tâm Phan Thiết khoảng 20km. Sân bay này còn được gọi là sân bay Thiện Nghiệp. Dự kiến đưa vào hoạt động thương mại cuối năm 2022, sân bay Phan Thiết sẽ là một trong 3 sân bay lớn nhất ở khu vực miền Trung. Đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách và góp phần quan trọng vào mạng lưới hàng không trong nước.
Sân bay cũng được mong chờ sẽ thu hút một lượng lớn du khách từ các đường bay nội địa như: Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Cần Thơ, Phú Quốc. Dự kiến sau năm 2030, công trình sẽ nâng công suất khai thác lên 2 triệu hành khách/năm. Đồng thời mở rộng đường bay quốc tế tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên bang Nga, Bắc Âu,…
Công trình trọng điểm của Bình Thuận
Dự án xây dựng sân bay Phan Thiết là công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 2021 – 2025 và được ưu tiên xây dựng. Khi hoàn thành, sân bay sẽ thu hút một lượng khách lớn từ phía Bắc và miền Tây trực tiếp mà không cần thông qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất hay sân bay Cam Ranh. Sân bay dự kiến sẽ mở các chặng bay trọng điểm là Hà Nội – Phan Thiết; Vân Đồn – Phan Thiết và Cát Bi – Phan Thiết. Du khách chỉ mất 1 – 2h là có thể đặt chân tới thiên đường nghỉ dưỡng Mũi Né.
Cùng với cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, sân bay Phan Thiết đang mở ra cơ hội rất lớn cho sự phát triển của Bình Thuận. Việc xây dựng sân bay đã góp phần thu hút sự đầu tư của các cá nhân, tổ chức trên khắp cả nước và nước ngoài. Các chủ đầu tư lớn đã tham gia cuộc chơi như Nova Land, Hưng Lộc Phát, Nam Group,…
Sân bay khi đưa vào hoạt động cũng được kỳ vọng thúc đẩy tiềm năng du lịch của tỉnh khi Bình Thuận, tăng khả năng kết nối vùng, rút ngắn thời gian di chuyển. Đồng thời với chức năng quận sự, sân bay Phan Thiết sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, quốc phòng an ninh,…
Trên đây là một số thông tin về dự án xây dựng sân bay Phan Thiết. Hy vọng những chia sẻ này đã giúp bạn có thêm nhiều điều thú vị hơn. Hy vọng trong tương lai với việc đưa vào khai thác thương mại, sân bay Phan Thiết sẽ là cầu nối thu hút du khách du lịch Bình Thuận nhiều hơn nữa. Đồng thời tạo ra nhiều thuận lợi cho khách du lịch trong nước cũng như quốc tế khi muốn ghé thăm các điểm đến nổi tiếng tại Mũi Né, Phan Thiết,…